Hướng tới xây dựng xã hội học tập suốt đời

Đăng ngày 07/10/2013, lượt xem 2475

Để phát triển loại hình GD mở và từ xa, cần có sự đầu tư hạ tầng CNTT. Thêm vào đó, điều cốt lõi để giảm thiểu tỷ lệ bỏ học là chúng ta cần kiểm soát chất lượng đào tạo cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người học.
Sáng 27/10, hội thảo “Giáo dục Mở và từ xa khu vực Đông Nam Á trong thế kỷ 21” đã chính thức khai mạc tại Đà Nẵng. Chương trình do Trung tâm Giáo dục Mở khu vực thuộc Tổ chức Bộ trưởng GD các nước Đông Nam Á (SEAMEO SEAMOLEC) và Viện ĐH Mở Hà Nội phối hợp tổ chức. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga, đại biểu đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á và Cộng hòa Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Canada.

 

Các đại biểu dự khai mạc hội thảo tại Đà Nẵng sáng 27/10.


TS. Galot Hary, Giám đốc SEAMEO SEAMOLEC chia sẻ, hiện GD mở và từ xa ở các nước trong khu vực vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Hội thảo là một trong những hoạt động góp phần định hướng tư duy về GD từ xa. Qua đó, đưa ra các thảo luận, giải pháp và có những thay đổi để củng cố và nâng cao chất lượng của loại hình đào tạo này.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định: “Các nước trong khu vực ASEAN hầu hết là những nước đang phát triển, đòi hỏi nguồn nhân lực dồi dào với tri thức và kỹ năng phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Nguồn nhân lực cần phải được đào tạo thường xuyên, liên tục cập nhật mà hệ thống chính quy không đáp ứng nổi. Người dân luôn đòi hỏi quyền được học tập và cập nhất kiến thức; vì vậy, GD mở và từ xa có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đó. Hội thảo lần này là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý GD trao đổi kinh nghiệm và học thuật, cùng tìm ra giải pháp cho sự phát triển chung và phương thức ứng dụng riêng của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở đào tạo”.

 

Theo GS. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý GD trao đổi kinh nghiệm và học thuật, cùng tìm ra giải pháp phát triển GD mở và từ xa.

Chương trình hội thảo tiếp diễn với các tham luận và giải đáp của các đại biểu các nước. Trong đó, nhiều ý kiến chỉ ra những khó khăn và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm phát triển GD mở và từ xa. Theo GS. Anuwar Ali đến từ Malaysia, hiện tỷ lệ người dân trong khu vực Đông Nam Á được tiếp cận với GD Đại học còn tương đối thấp, ở khoảng 32%. Và tỷ lệ người lao động trong khu vực có trình độ ĐH chỉ ở khoảng 26,1%. Định hướng đến năm 2020, với mục tiêu xây dựng xã hội học tập suốt đời, văn hóa học tập suốt đời, cũng là nhu cầu và quyền được học tập của người dân, tỷ lệ này tăng lên hơn 50% và sẽ tiếp tục tăng hơn nữa. Loại hình GD mở và từ xa đáp ứng nhu cầu của những người đã đi làm muốn có cơ hội học tập tiếp, cập nhật tri thức mới mọi lúc mọi nơi. Từ đó, hướng tới mục tiêu hình thành văn hóa học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Trong khu vực Đông Nam Á, loại hình GD mở và từ xa đang ngày càng phát triển; thậm chí đã hình thành những siêu ĐH mở có quy mô hàng trăm ngàn học viên, sinh viên. Ở Việt Nam có 2 cơ sở lớn là ĐH Mở TPHCM và Viện ĐH Mở Hà Nội. Tuy nhiên, do điều kiện các nước đang phát triển, GD mở và từ xa trong khu vực gặp khó khăn cần tháo gỡ như hạ tầng CNTT còn thấp, hệ thống CNTT và các trang thiết bị hổ trợ đào tạo từ xa còn hạn chế. Để phát triển loại hình GD này, cần có sự đầu tư hạ tầng CNTT. Thêm vào đó, điều cốt lõi để giảm thiểu tỷ lệ bỏ học là chúng ta cần kiểm soát chất lượng đào tạo cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Chẳng hạn như xây dựng hệ thống giáo trình phù hợp với từng đối tượng học viên, tăng học bổng và các ưu đãi thiết thực nhằm khuyến khích nỗ lực, nhu cầu học tập của người học. Để nâng cao chất lượng đào tạo cần tạo ra môi trường cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo giữa các cơ sở theo hướng tích cực. Tăng cường hợp tác quốc tế không chỉ trong khu vực Đông Nam Á, mà mở rộng ra các nước phát triển đi trước và thành công trong lĩnh vực đào tạo này cũng là một giải pháp.

Khánh Hiền.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-656185/huong-toi-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-suot-doi.htm

Từ Thứ 2 - Thứ 6 hàng tuần

Sáng: 8h - 11h15 | Chiều: 13h30 - 16h45

Hỗ trợ sử dụng thư viện